Cá bảy màu hay còn gọi là Guppy là loài cá cảnh có kích thước nhỏ chúng thuộc dòng cá cảnh nước ngọt có độ phổ biến cao nhất trên thế giới. Cá bảy màu rất dễ nuôi và chúng cũng đa dạng về các loài khác nhau.
Cá bảy màu hay còn gọi là Guppy là loài cá cảnh có kích thước nhỏ chúng thuộc dòng cá cảnh nước ngọt có độ phổ biến cao nhất trên thế giới. Cá 7 màu rất dễ nuôi và chúng cũng đa dạng về chủng loại khác nhau. Là dòng cá cảnh nước ngọt dễ nuôi và sinh sản, chúng luôn được các nhà lai tạo thường xuyên nghiên cứu để cho ra các dòng cá bảy màu đẹp. Cá 7 màu cũng là dòng cá có thể bị lai tạp nếu bạn thả chung nhiều dòng cá bảy màu sống chung với nhau, các con khi sinh ra sẽ dễ bị dị hình về màu sắc và hình thể.
Thông tin chi tiết về Cá Bảy Màu
- Tên tiếng anh: Guppy
- Bộ: Cyprinodontiformes
- Chi: Poecilia
- Giới: Animalia
- Họ:Poeciliidae
- Nhiệt độ 27-30
- TDS: 100-250
- PH: 5.5-7.5
- Nguồn nước: nước máy hoặc nước RO có trâm thêm khoáng
- Ánh sáng: không cần thiết
- Thức ăn: các loại thức ăn dạng cám viên, cám bột hoặc đồ tươi sống như trùng chỉ, trùng huyết, bobo, loang quăng, artemia...
- Nền nuôi cá bảy màu: nham thạch, nền akadama
- Hệ thống lọc: lọc sủi bio hoặc nếu hồ lớn bạn cũng có thể bổ sung thêm các loại lọc thùng, lọc treo
- Sinh sản: đẻ con
Các loại cá bảy màu phổ biến
- Cá bảy màu full gold
- cá bảy màu thái
- cá bảy màu rồng xanh
- cá bảy màu rồng đỏ
- cá bảy màu dumbo
- cá bảy màu koi
- cá bảy màu koi red ear
- cá bảy màu blue tarzan
- cá bảy màu full red
- cá bảy màu rừng
- cá bảy màu blue topaz
Môi trường sống của cá bảy màu Guppy
Mặc dù là dòng cá cảnh có độ phổ biến cao, dễ nuôi nhưng bạn vẫn cần phải quan tâm tới chế độ ăn uống và môi trường nước luôn đảm bảo ở mức cân bằng để giúp cá luôn khỏe mạnh, dưới đây là một số lưu ý khi bạn bắt đầu nuôi cá 7 màu.
Lựa chọn kích thước bể nuôi cá bảy màu
Bể nuôi cá bảy màu guppy bạn có thể lựa chọn dựa trên nhiều vật liệu có sẵn như bể kính, bể xi măng, thùng xốp, thùng nhựa... Tuy nhiên hãy xác định số lượng bạn sẽ dự tính sẽ nuôi số lượng bao nhiêu con cá bảy màu để có thể trang bị một môi trường nuôi cá một cách hợp lý nhất. Ở đây chúng tôi khuyến cáo bạn nên sử dụng một bể có thể tích 10 lít nước cho 10-15 chú cá bảy màu trưởng thành, và 100-250 chú cá bảy màu mới sinh (cá bột).
Chọn nguồn nước nuôi cá bảy màu guppy
- Nuôi cá bảy màu bằng nước giếng: Đối với nguồn nước giếng bạn hãy thận trọng khi nuôi, bởi nguồn nước này được bơm dưới lòng đất lên nên sẽ dễ bị nhiễm nhiều tạp chất. Nếu nơi bạn sinh sống có nguồn nước giếng tốt, khoan sâu, hoặc bạn ở các vùng ven thành phố, nông thôn nơi ít bị ô nhiễm thì vẫn có thể dùng nước giếng để nuôi cá bảy màu. Lưu ý đối với những nguồn nước chưa được xử lý này bạn nên kiểm tra các thông số của nước trước khi nuôi cá.
- Nuôi cá bảy màu bằng nước máy: Nước máy hay còn gọi là nguồn nước thủy cục là loại nước tương đối sạch, bạn hoàn toàn có thể nuôi cá bảy màu bằng nguồn nước này. Tuy nhiên một điều cần lưu ý khi nuôi cá bảy màu bằng nước máy đó chính là clo có trong nước, bạn cần loại bỏ chất này ra khỏi nước trước khi nuôi cá bảy màu bằng cách sục khí oxy 1 vài ngày kết hợp với chất khử độc và khử clo như Seachem Prime
- Nuôi cá bảy màu bằng nước mưa: Một số người chơi cá bảy màu sống ở các khu vực không có hoặc thiếu thốn nước ngọt như các khu vực miền tây nam bộ, thì việc sử dụng nước mưa để nuôi cá bảy màu cũng là điều mà một số anh em đang cân nhắc. Bạn hoàn toàn có thể nuôi cá bảy màu bằng nước mưa, tuy nhiên bạn cũng cần kiểm tra các thông số nước trước khi nuôi cá vì đại đa số nước mưa có chứa hàm lượng axit nhẹ do vậy PH cũng khá thấp.
- Nuôi cá bảy màu bằng nước RO: RO là loại nước tinh khiết được lọc qua các lõi lọc, nước này đã được xử lý về tạp chất do vậy bạn có thể nuôi bằng nước này rất tốt. Tuy nhiên do các lõi lọc của bộ lọc đã lọc hết khoáng chất bên trong nước, nên nếu bạn nuôi cá bảy màu bằng nước RO thì hãy bổ sung thêm cho nước khoáng chất để giúp cá luôn có bộ vây căng đẹp.
Nuôi cá bảy màu guppy có cần lót nền không?
Việc lót nền để nuôi cá 7 màu cũng gây nên khá nhiều tranh cãi, có người nói cần và cũng có người nói không, vậy thì thực chất nuôi cá bảy màu chúng ta có cần tới việc lót nền hay không. Theo ý kiến riêng của mình thì không cần thiết phải lót một lớp nền trong hồ mới có thể nuôi cá bảy màu, mà chỉ cần bạn kiểm soát tốt được chất lượng nước. Tuy nhiên việc lót nền để nuôi cá bảy màu cũng có khá nhiều lợi ích như (dùng nền bạn có thể trồng cây thủy sinh, hoặc một số nền giúp bạn ổn định PH, lót nền để làm cá trông nổi bật hơn).
Chọn lọc nuôi cá bảy màu
Nếu bạn muốn những chú cá bảy màu của mình luôn khỏe mạnh thì việc trang bị một chiếc lọc cho bể cá là điều vô cùng cần thiết, đối với các bể nuôi cá 7 màu có kích thước nhỏ 10-20 lít nước bạn hoàn toàn có thể sử dụng các loại lọc đơn giản có kết hợp sủi oxy như lọc bio, lọc đáy taiwan. Đối với những chiếc bể bạn nuôi với số lượng cá nhiều và bể to thì hãy nên trang bị cho bể của mình một hệ thống lọc có đủ to để chứa thêm các loại vật liệu lọc giữ vi sinh ổn định cho bể. (lọc thùng, lọc treo, lọc tràn...)
Thức ăn cho cá bảy màu là gì?
Là dòng cá ăn tạp, do vậy cá bảy màu có thể ăn được hầu hết các loại thức ăn dành cho các loài cá cảnh khác.
- Cho cá bảy màu ăn cám: Chúng tôi khuyên bạn sử dụng các loại cám có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có thương hiệu lâu năm đặc biệt là các loại thức ăn nhập khẩu như JBL NOVO GUPPY, Sera Guppy Gran, JBL NOVO TAB.
- Các loại thức ăn tươi sống: Cá bảy màu rất thích ăn các loại thức ăn tươi sống như Trùng chỉ, trùng huyết, bobo, Artemia, loăng quăng... Tuy nhiên đối với các loại thức ăn như trùng chỉ và loăng quăng trước khi cho cá ăn bạn cần xử lý sạch, bởi 2 loại thức ăn này được khai thác bắt ngoài môi trường khá ô nhiễm tiềm ẩn rất nhiều mầm bệnh cho cá bảy màu.
Phân biệt giới tính ở Cá 7 màu:
Cá bảy màu là một trong những dòng cá cảnh dễ phân biệt giới tính nhất, chỉ cần cá đạt độ tuổi 1,5-2 tháng là bạn đã có thể phân biệt rõ giới tính của chúng. Đối với cá bảy màu trống chúng có khuynh hướng màu sắc sặc sỡ hơn cá mái rất nhiều, chỉ cần bạn nhìn thoáng qua là đã có thể phân biệt dễ dàng. Cá bảy màu mái sẽ có kích thước to hơn cá bảy màu trống một chút và có màu sắc ít hơn, không được sặc sỡ như cá trống.
Sau bao lâu thì Cá bảy màu sinh sản
Sau bao lâu thì cá bảy màu sẽ sinh sản, đây cũng là câu hỏi được rất nhiều bạn nuôi cá bảy màu quan tâm tới. Khi con cá bảy màu trống và cá 7 màu mái từ giai đoạn cá bột tới 2,5-3 tháng chúng sẽ bắt đầu chu kì sinh sản lần đầu tiên, con trống sẽ tiếp cận con mái liên tục và thực hiện thụ tinh trực tiếp, sau đó cá mái sẽ tiếp tục ôm trứng tới khoảng thời gian 25-35 ngày sẽ sinh con. Đối với lứa con đầu tiên của cá số lượng sẽ khá ít, chỉ khoảng 5-15 con, ở các chu kì sinh sản tiếp theo cá có thể sinh 150-200 cá con trong 1 lần.
Các bệnh thường gặp ở Cá Bảy Màu
Một số bệnh thường gặp khi nuôi cá bảy màu có thể kể đến như cá bị túm lắc, cá nằm góc, cá bị nấm, bị thối thân.
- Cá bảy màu bị túm lắc: hiện tượng này rất dễ nhận biết, những chú cá sẽ đứng im một chỗ ít bơi lội và đầu của chúng liên tục lắc về 2 bên trái phải. Nguyên nhân chủ yếu đến từ nguồn nước nuôi trong hồ bị bẩn, chứa nhiều tạp chất dẫn tới vi khuẩn tấn công phần mang cá khiến chúng khó chịu ở phần đầu nên sẽ có hiện tượng đứng im và lắc.
- Cá bảy màu bị nấm, thối thân: Cũng như trên một phần nguyên nhân là do nguồn nước một phần khác là do cá đánh nhau dẫn tới tổn thương vùng da và vảy khiến vi khuẩn tấn công, nếu lúc này môi trường nước của bạn ô nhiễm hoặc kết hợp nhiệt độ xuống thấp thì những chú cá 7 màu sẽ rất nhanh bị trở bệnh nặng. Hiện tượng này cũng rất dễ nhận biết, ban đầu chỉ là những chấm trắng nhỏ trên thân cá, sau dần chúng sẽ lan to ra và xuất hiện các vết lở loét hoặc các cụm bông màu trắng giống cục bông gòn xuất hiện trên thân cá.
Để khắc phục 2 bệnh điển hình ở cá bảy màu nêu trên thì việc đầu tiên bạn hãy tối ưu lại chất lượng nguồn nước, đảm bảo nhiệt độ 29-30 độ, nếu cá bị nặng bạn cần sử dụng các loại thuốc để điều trị có thể kể đến như (
Bio knock 1: phòng và khử trùng hồ nước - Bio knock 2 : diệt các loại nấm trên cá - Bio knock 3 : trị thối mang, mục vây - Bio knock 4 : trị kí sinh trùng).